Sự tích Cô Sáu Lục Cung, Cô Sáu Sơn Trang: Đền thờ và giá hầu cô
Cô Sáu Lục Cung hay còn gọi là Cô Sáu Sơn Trang. Cô là người hầu cận Chầu Lục. Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô. Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Sáu Lục Cung là một trong những vị thánh cô thường hay ngự đồng, ngoài ra cô còn nổi tiếng với tài chữa bệnh cứu người lúc sinh thời.
Sự tích Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung
Tương truyền sự tích về Cô Sáu Sơn Trang vốn là tiên nữ trên trời, thấy cảnh hạ giới lầm than, dân tình đói khát, ốm đau bệnh tật, cô thương xót cho chúng sinh nên nguyện hạ phàm để chữa bệnh cứu người. Năm ấy cô giáng sinh vào một gia đình người dân tộc thiểu số (người Nùng có nơi cho là người Tày) ở vùng quê Hữu Lũng – Lạng Sơn. Sinh thời, cô xinh đẹp, nết na, hiền dịu, khi sinh ra đã có tài chữa bệnh, bốc thuốc. Hầu như không một chứng bệnh nào cô không biết, không một bệnh nan y nào mà cô không chữa được. Cô thường xuyên bôn ba khắp vùng miền của xứ Lạng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong những ngọn núi cao, những cánh rừng già để hái thuốc. Trước y thuật cao minh của Cô, nhiều gia đình khó khăn không có tiền chữa bệnh đã từ cõi chết trở về. Sau này, khi cô Sáu mãn hạn về trời, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Cô, dân chúng quanh vùng lập đền thờ Cô và hàng năm vẫn tổ chức cúng bái.
Trong dân gian, những thông tin sự tích về Cô Sáu được lưu truyền rất nhiều, nhưng đa phần chưa có sự thống nhất một số quan điểm về xuất thân của cô và cô Sáu hầu cận vị thánh nào.
Đầu tiên về xuất thân của cô, có lẽ đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi nhất. Có hai dòng ý kiến, thứ nhất cho rằng cô Sáu là tiên trên trời giáng thế, được sinh ra trong 1 gia đình người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Tuy nhiên lại có quan điểm cho rằng, cô Sáu Lục Cung sinh ra trong 1 gia đình người Nùng, và điều này được nhiều người ủng hộ hơn, bởi trên thực tế vùng đất mà cô sinh ra thuộc vùng Hữu Lũng – Lạng Sơn là địa bàn sinh sống của dân tộc Nùng. Người dân tộc Tày thực tế rất ít xuất hiện ở vùng đất này.
Việc Cô Sáu hầu cận bên vị Thánh nào cũng có nhiều di bản. Đa phần đều lưu truyền rằng cô là người hầu cận bên Chầu Lục Cung Nương, vì thế mà Cô được gọi là Cô Sáu Lục Cung. Một số khác lại cho rằng cô là người hầu cận bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn, hay còn gọi là Chúa Sơn Trang. Vì thế mà trong một số tài liệu và trong thực tế đời sống, người ta còn gọi Cô là Cô Sáu Sơn Trang.
Hầu giá Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung
Trong hàng tứ phủ Thánh Cô, Cô Sáu Lục Cung là vị thánh cô rất hay ngự đồng trong các giá hầu đồng. Các thanh đồng đạo quan thường thỉnh bóng Cô Sáu Sơn Trang ngự đồng không chỉ có khi về đền Lục Cung, về đất Lạng Sơn mà cả khi khai đàn mở phủ hay trong cả những dịp hầu vui, đón tiệc tiên thánh.
Khi ngự đồng cô làm lễ khai cuông rồi múa mồi như các tiên cô trên Thượng Ngàn khác. Trong trang phục áo ngắn vạt, rộng tay, màu lam hoặc chàm tím, quầy đen, đầu đội khăn xanh, chít hoa, trâm cài lược dắt.
Đền thờ Cô Sáu Lục Cung
Cô Sáu không có đền thờ riêng. Hiện nay Cô Sáu Lục Cung chính là thánh cô trấn giữ bản đền Lục Cung Chín Tư. Cung thờ cô được xây ngay cạnh chính cung đền Chầu Lục tại thôn Chín Tư, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đền Lục Cung còn là nơi thờ chính của Chầu Lục hay còn gọi là Chầu Sáu Lục Cung, Chầu Lục Cung. Đôi khi đền Lục Cung còn được gọi là Đền Chín Tư.
Cổng đền Chầu Lục Cung Nương
Để đến được đền Chầu Lục thì chúng ta đi qua đường rẽ vào Công đồng Bắc Lệ về phía Lạng Sơn 15 km sẽ thấy biển Đền Quan Giám. Sau khi lễ đền Quan Giám thì chúng ta khởi hành vào đền Chầu Lục cách đó khoảng 1 km.
Xem thêm văn Cô Sáu Lục Cung