Nên nhớ: Tu đạo tại đời
Mọi người dù một kiếp hay nhiều kiếp trước có là ai, căn cơ thiên tư cao đến đâu, căn sâu cửa đạo ta đến như thế nào… kiếp này vẫn là con người, đang sống tại trần thế này. Các con cũng cần cái ăn cái mặc, cái cuộc sống, cần sự hạnh phúc, kinh tế, con cái… giống như người bình thường.
Người thường đã vậy, người tu theo Đạo Mẫu ta lại: “Trên lo việc Thánh, dưới gánh việc trần”, thực là trăm sự lo toan đổ đầu. Nhưng đừng vì thế mà e ngại.
Bởi, có căn duyên tu tập nơi cửa Thánh, cửa Đình Thần ta là cái phúc phần, cái ân duyên mà không phải ai cũng có được.
Tu theo đạo ta là tu đường âm đức chủ đạo. Nhưng ngoài sự lợi lạc về tu tập trực tiếp như xóa mờ vết khắc nghiệp nhiều kiếp, trả nợ oan gia của bản thân và gia tiên, bồi đắp phúc quả cho kiếp này, kiếp sau, tích phúc cho gia tiên và con cháu … những thứ mà người ta khó có thể đong đếm hay nhìn thấy ngay, thì hãy nhớ câu văn: “Chấm đồng cô lại thương đồng, Lỡ nào cô để cho đồng hàn vi”.
Nếu tu tốt, có công đức, đạo quả… sẽ được Nhà Thánh khuông phù hộ đỡ, ban công thưởng lộc…, không hơn người thì cũng không quá thua kém, thiếu thốn. Và thường người biết vun vén thường có hạnh phúc, biết tiết kiệm thường có tích lũy, biết đủ thì sẽ vui vẻ… Không chỉ về tài lộc mà cả công danh hay những niềm vui khác trong cuộc sống, Chư Thánh luôn ân duyên cho con đồng nhất tâm và tu tốt có đạo quả. Chỉ có con đồng không nhận ra hoặc đôi khi quá mong cầu hơn so với những gì phúc phận hiện tại mình đáng được hưởng, nên mới có những trường hợp trách Thánh không thương hay suốt ngày than trách căn số, phận đồng hẩm hiu đó thôi.
Ví như: Ta đã tu theo cửa Thánh nhiều năm, gia đình chả giàu có gì nhưng vợ chồng con cái mạnh khỏe, yêu thương thuận hòa, người thấy thế là hạnh phúc là đủ thì sẽ vui vẻ, sẽ biết ơn Chư Thánh mà càng tu tập nỗ lực hơn, nhưng người chưa thấy đủ thì còn sầu bi, còn buồn phiền, có khi còn oán trách…
Người trước đây vỡ nợ, gia đình ly tán nợ nần chồng chất…nay tu đạo tốt được ban thưởng có công có việc ổn định, dần dần trả hết nợ, không có dư dả nhưng cuộc sống bớt lo toan áp lực, vậy là đã mừng lắm rồi. Biết là đủ là ân duyên thì lại càng tín Thánh, càng tu tập; còn cầu lại giầu sang phú quý như thời vận còn son thì sinh chán ghét đạo, trách Thánh trách Thầy là chuyện thường…
Hay có những tai nạn trong cuộc sống được may mắn thoát nạn, những bệnh tật dần khỏi hoặc tìm được thuốc được thầy, những vận hạn có đến cũng chỉ một thời gian ngắn và lại được người nâng kẻ giúp để vượt qua… Đó cũng là ân duyên hộ đỡ của gia tiên và Chư Thánh cho đồng nhân. Vậy mà ít người nhận ra, hay dễ dàng phủ nhận thậm chí vô ơn…
Nói như vậy, để các con hiểu rằng. Đã có duyên cửa đạo ta và nhập đạo thì phải tu tập. Các pháp môn đạo ta đã có để các con có hướng mà nỗ lực. Tu tập đến khi có công đức thì ắt có phúc có phần, có ban công thưởng lộc, được ân duyên ban cho những niềm vui trong cuộc sống.
Nhưng cũng nên nhớ: Trên đời này không có chuyện không làm mà hưởng, tự nhiên mà có.
Chư Thánh ân duyên ban công thưởng lộc thì các con cũng phải biết nắm giữ và trân trọng sự ân duyên đó. Khi cho các con tài lộc, các con phải chi tiêu cho đúng, cho các con công ăn việc làm các con phải nỗ lực làm việc, cho các con tình yêu đôi lứa các con phải nâng niu gìn giữ, cho các con sức khỏe các con phải biết quý trọng, cho các con công danh các con phải nỗ lực tiến lên, phải biết dùng công danh ấy làm điều có ích cho dân cho nước thì công danh ấy mới bền…
Đừng lúc nào cũng trông chờ vào việc ngồi không hưởng lợi hay tự nhiên mà giàu, bằng những lô đề, những cờ bạc, may mắn phút chốc… (bởi đó có thể là ân duyên cứu vớt tùy thời điểm chứ không phải là ban công thưởng lộc nhờ công đức tu tập, nếu cứ mê mờ bởi những thứ phù phiếm không làm mà hưởng đó thì rồi cũng tay trắng về không); hay đôi khi coi thường, không trân trọng những điều được ân duyên: có tiền tài thì hoang phí vô bổ, có tình yêu đôi lứa nhưng không chung thủy gìn giữ thì tình cũng tan, có hạnh phúc gia đình con cái mà không vun vén yêu thương chăm sóc thì gia đình cũng bất hòa, có danh mà lợi dụng danh làm càn rồi cũng mất hết… Hãy biết trân trọng!
Mặt khác, đừng quá ảo vọng chăm chăm tu tập nhằm cầu thần thông, cầu ban công thưởng lộc, cầu tiến tu quá nhanh quá gấp trong đạo mà quên đi hay gác lại toàn bộ tục sự hiện đời.
Cũng bởi “Tu đạo tại đời”.
Là người tu theo Đạo Mẫu, phải làm trọn “việc trần” song song với lo “việc Thánh”, là chu toàn gia tiên gia chung, là chăm lo đời sống gia đình, mối quan hệ, cộng đồng. Có như vậy người tu mới cân bằng được cả đời cả đạo, để tu tập tiến bộ thực sự, vì đạo ta không giành cho người xa rời thực tế, xa rời cộng đồng, hay muốn lánh đời ẩn cư.
Phận làm cha mẹ phải chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ, phận làm con cái phải biết hiếu dưỡng cha mẹ, ông bà, hiếu kính thờ phụng gia tiên tiền tổ…, phận là một công dân phải lao động theo pháp luật, làm giàu và sống có ích cho gia đình, cộng đồng, quốc gia; là người lính phải bảo vệ tổ quốc, chống giặc thù…
Trường hợp những người vừa muốn về với Chư Thánh, vẫn muốn được ân duyên cuộc sống hiện đời tốt tươi hơn người, đặc biệt là tiền tài, công danh thì cũng được chư Thánh gia ân có chọn lọc theo căn cơ. Thường là những trường hợp phải lấy danh cho Thánh lấy diện cho đồng (Đồng Hầu).
Trường hợp đặc biệt, có những người tu đạo chủ tâm tu và phát nguyện tu để “sạch sành sanh còn manh áo đỏ” về với Thánh bởi họ đã có căn sâu nhiều kiếp nguyện theo và phụng sự chư Thánh nhân, cả đời mong được phụng sự và đó là tôn chỉ lớn nhất của họ. Họ tu rất tốt và có khi cũng rất khổ cực vất vả nhiều bề, nhưng họ hiểu nguyên do, họ chấp nhận chịu khổ và luôn nỗ lực tu tập. Thường những ban công thưởng lộc hay mong cầu cuộc sống như tài lộc, danh tiếng, tình yêu,… người ta quên đi hoặc không quá chú trọng.
Đồng nhân đạo ta tu tập song song với tu đời. Hãy ghi nhớ cả hai, làm trọn cả hai, đừng quá coi trọng hay đề thấp bên nào, tu đời tu đạo cho trọn mới là đồng nhân thực sự.
Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Quốc Thêm – Tự Tuệ Trần.