Chủ Nhật, Tháng Ba 26, 2023
HomeTâm linh - Tín ngưỡngĐạo MẫuMột năm hầu đồng bao nhiêu vấn, mấy vấn là đủ?

Một năm hầu đồng bao nhiêu vấn, mấy vấn là đủ?

Một năm hầu đồng bao nhiêu vấn, mấy vấn là đủ?

Thưa thầy, thực tế hiện nay chúng con thấy có nhiều người ra đồng hầu đồng liên tục, đàn to lễ lớn đến 5-7 vấn hầu cả năm, có lúc khó khăn lại không hầu vấn nào liên tục mấy năm…, người thì bảo rằng thiếu rằng thừa, người thì kêu rằng đủ.

Một năm hầu đồng bao nhiêu vấn là đủ

Xin thầy giảng giải cho tân đồng lính mới sơ cơ nhập đạo chúng con được rõ: 1 năm hầu bao nhiêu vấn thì là đủ ạ?

Các con ta, mở phủ trình đồng là đi kèm từ “Hầu Đồng”.

Mở phủ ra đồng, là bước nhập đạo vào cửa tu mà pháp môn cơ sở nhất của đạo ta là hầu đồng. Vậy mở phủ không hầu đồng, không tu từ cơ sở nhất thì mở phủ có tác dụng gì? Tu làm sao?

Pháp môn nhà Thánh là hầu đồng, là thể Thiền Động giao quán với năng lượng của vũ trụ và nhà Thánh bảo trợ mà ta hay gọi đại diện là bóng Thánh. (Khác với ngồi thiền quán đề mục của nhà Phật hay Đạo giáo… là thiền tĩnh, lấy tĩnh chế động vô vi thu nạp năng lượng… để tu trì ).

Còn nhà Thánh thiền động có đề mục sẵn, năng lượng sẵn và học theo Thánh đức.

Trong ba năm đầu ít nhất phải hầu vấn mở phủ và vấn tạ dù là theo lối cổ Tam côi (ba ngày nguyên đàn hầu tạ luôn) hay bách nhật hiện nay thì cũng phải hầu tạ.

Trừ trường hợp đồng cơ bắt sát không ra ngay không được phải mở gấp và sau khi mở không có bất cứ điều kiện gì để hầu tạ.

Từ năm tiếp theo mỗi năm phải ít nhất một vấn, nhiều nhất không quá ba vấn.

Do điều kiện kinh tế và môi trường hiện nay thay đổi, cách nhìn về đồng bóng và căn quả cũng khác đi và phú quý sinh lễ nghĩa đua nhau nên đôi khi cái tôi còn to hơn ông Thánh, sợ đàn sơ lễ mỏng thì bị thiên hạ cười chê.

Riêng nhà đền có tâm nếu hầu bo hay đồng nghèo đăng ký cung họ không lấy tiền đâu, trừ một số đền có vài con buôn ông Thánh, chứ mở ở điện các Thầy có tâm đức cứ xin phép Thầy lên mà hầu bo cũng được.

Thời buổi chính con đồng quên luôn câu “con giầu một bó con khó một nén”, mới sinh ra “tạ khô” giống như những trường hợp bất đắc dĩ: có tang có bụi, có thai, mới sinh, ốm đau bệnh tật không bắc ghế được, việc nước (đi bộ đội, công tác …không thể nghỉ) hoặc việc cực chẳng đã. Cho nên thời buổi này nếu nghèo trừ khi căn quả sâu nặng cơ hành thì hãy ra, còn căn mỏng nghiệp mỏng, không có kinh tế tôn nhang khất đi cho đỡ khổ.

Phải nhớ rằng: RA THÌ DỄ GIỮ LỄ MỚI KHÓ

Đặc biệt cái thời buổi loạn đạo chánh tà bất phân, giữa hai danh giới Chính và Tà ít người nhìn ra như bây giờ thì căn nông sâu khó phân đều ùa nhau ra đồng, có khi không có căn chả cơ hành cũng ra đồng.

Nhà Thánh thì đã báo cho biết ít nhiều về căn số qua những mộng báo hoặc ứng báo… Tà cũng đã lôi kéo và cũng ứng báo tác động người ta vào mê lộ. Phúc mà dày nên có Tổ Cô gia tiên dẫn lối, ngăn cản không cho bóng tà khế hợp căn thân mệnh thì tốt, còn đâu tà là nhiều.

Đặc biệt thời buổi lõa lồ về danh diện này, cái câu “có thực mới vực được đạo” nó lại trở thành đúng.

Ta chỉ khuyên: Thực có tới đâu lo tới đó, tiểu duyên lo cho an yên, từ từ dần dần rồi đâu sẽ có đó. Có vậy mới cần tu trì xin được Thánh Ân, chứ đâu một bước lên trời.

Đừng vội mà mở phủ, đừng tin mấy lời dẫn mê của những kẻ đao to búa lớn thầy tà thầy danh rao giảng, hay ngồi nói như đúng rồi rằng: mở phủ đầy quả tu tốt không phải hầu, rồi có công với đạo… Nghiệp dày quấn thân còn chưa trả được là bao, đã làm gì được cho đạo, cứu khổ bách gia phát dương đại đạo mà nói là có công với cán… Bản thân ta cũng vậy, làm gì đã có công cán gì cho đạo, còn đang ăn mày nhà Thánh.

Ta phải hiểu theo Đạo Mẫu là đạo tu số mệnh tâm tính, là nhân vi chúa tể.

Hầu Đồng chứ không phải chỉ có tu tâm (theo kiểu tu Phật đạo chiếu ra tâm an vạn sự an). Nên nhớ là chỉ có câu nói “Phật tâm Phật tính” chứ không có câu “Phật số và Phật mệnh”.

Cũng như câu văn trong văn Thánh Hoàng Mười đó:

Phật với tiên đường lối khác xa

Tu tiên được bẩy đời qua tu phật…

Tu Phật rất tốt để khai minh cái tâm cái tính, tìm cái chân lý cái từ bi cái giác ngộ. Ai có đồng cũng nên thụ tam quy mà tu trì Phật pháp, tu học lấy cái hay cái thiện cái từ bi cái hỷ xả… Bởi đạo nào cũng lấy chữ đức chữ thiện làm đầu.

Nhưng nếu nhân duyên sâu nặng với nhà Thánh căn sâu quả dầy thì: Dù người ta tu và tinh thông Phật pháp cũng chỉ an về tâm và tinh thần nhưng cũng không giải quyết được việc an căn mệnh căn quả Nhà Thánh. Vì tinh thần có an nhưng căn mệnh chưa an, căn duyên với nhà Thánh sâu dày và gốc rễ của mình bên Đạo Mẫu thì không có chuyện không biết nên không cúi đầu làm tôi phụng sự hay không hầu, miễn hầu… dù có là Thượng Tọa chứ không nói đến người bình thường.

Trừ những trường hợp “ốm tha già thải” hay “Thánh tha ma nhập” hay không căn quả hay căn quá nông dẫn đến bà cô tổ và hội đồng gia tiên chiếu theo phúc phần tấu lên với nhà Thánh xin miễn hầu.

Trên mạng xã hội hiện nay quá nhiều người suy diễn về đạo Thánh và lợi dụng ngôn từ mồm miệng, văn hay chữ tốt mà xuyên tạc, để mọi người hiểu sai lệch. Không ai ra đồng nếu thực sự căn quả sâu nặng mà không phải hầu đâu. Vì hầu đồng bản chất không phải là nghĩa vụ mà là pháp môn tu tập cơ sở nhất của đồng nhân. Nếu đã không tu không hầu thì nhập đạo làm gì? Không tu lấy đâu ra có thể an yên bản mệnh trả nợ oan gia nghiệp báo và đến đích “sạch sành sanh còn manh áo đỏ”?

Các cụ gần trăm tuổi còn đang hầu đấy, hầu cả đời (câu “lính ghế” nó ở chỗ này – dù là Đồng Quan lính Thánh cũng phải hầu).

Thời bao cấp kia bắt đi cải tạo còn hầu. Trừ khi không có căn oan gia ma tà nó làm thành tưởng có căn, lại bị những kẻ đồng nát coi bói nói có căn rồi lộng giả thành chân cứ nghĩ mình khổ vì có căn rồi ra trình đồng mở phủ, Chư Thánh không nhận đồng và sau cũng biết sai mà sửa xin sám hối không hầu lại là việc khác.

Trình đồng mở phủ là việc cả đời không phải trò đùa.

Sau 3 năm khi tạ tam niên chốn tổ cũng phải đi hầu tỏa bóng luyện lính trình tòa, nơi cha nơi mẹ trước rồi đến nơi cửa Thánh cai đồng thủ mệnh, mới đi hầu tỏa bóng tại các cung các tòa các sở khác.

Khi đó mệnh đã yên bóng đã đứng, biết đạo biết đời thì mới được cấp sắc tạ 12 niên bước vào bước luyện đồng.

Ngày nay người ra đồng ồ ạt, đến hơn 90% là tâm vọng cầu tiền tình danh vị và căn nông bị u mê bị tà dẫn vào mê lộ, bị các thầy ham tiền hoặc không ham tiền thì cũng hám danh không đọc được căn cơ cũng đưa ra mở phủ.

Ai mà nói: “Đã mở phủ nhưng mấy năm nay không hầu cũng không sao hoặc yên căn hoặc tâm an hiểu đạo Thánh là không phải hầu, hay có công với đạo thì trước là không hiểu đạo, sau nữa phải xem lại xem mình có căn không hay căn của mình nông hay sâu, căn đó có nên mở phủ không?

Đặc biệt là thủ nhang và quan Thầy (Đồng Thầy) nếu không hầu Thánh thì gần như là đồ bỏ. Vì thủ nhang là phải hầu khai ấn và quấn cờ, đầu năm khai cuối niên tạ, hầu tiệp, hầu tiệp Thánh thủ điện, thủ đền.

Đạo là Thánh giáo Tiên giáo Thần giáo (tâm linh Thần Đạo). Riêng quan Thầy phải thêm một vấn hầu tổng (một lần trong một vấn hầu phải tung khăn rước bóng hết các giá mà con nhang mình đỡ bóng thuộc căn) gọi là hầu đỡ bóng đỡ quả cho con nhang (đỡ nghiệp) thì mới kêu thấu tấu nổi cho con nhang.

Quan thầy cũng có năm bẩy loại, đọc căn cơ của con nhang là việc hệ trọng. Kẻ nào là Quan Thầy không đọc được căn cơ con nhang, kẻ đó không phải đồng quả chỉ nên mở phủ cho vài ba người là nhiều vì lệnh khai hồ của nhà Thánh chỉ cho đỡ bóng ngần đấy người để có người truyền đăng kế nghiệp đạo. Nếu cố tình mở nhiều hơn hạn định là không đỡ bóng cho con nhang, là gây khổ cho con nhang vậy.

Từ xưa các cụ dạy: “Soi căn nối quả” là cụm từ đi đôi với nhau. Kẻ nào là quan Thầy mà không soi căn được, không hầu tổng đỡ bóng cho con nhang, kẻ đó không đủ tư cách làm quan Thầy. Con nhang những quan thầy kiểu này khổ lắm vì thầy chỉ mở mà không đỡ được bóng cho con nhang, không đọc được căn cơ của con nhang. Dù thầy đó có tâm, nhưng không hiểu đạo và hại con nhang mà không hay biết.

Việc nữa căn nhà Thánh thì ba duyên bẩy nghiệp, bốn hàng chín loại, nông sâu nhưng đều có những biểu hiện tương tự nhau.

Hãy cân nhắc kỹ khi ra đồng, căn cao số nặng mệnh trọng thì phải hầu đồng.

Chuẩn bị ra đồng hay có ý định ra đồng hãy tìm hiểu thật kỹ để quyết định khi ra trình đồng. Khi đã xác định ra cắt tóc làm tôi nối đời làm con phụng sự cửa Thánh thì phải nhất tâm nhất tính không lượn lẹo đơm sai, không sái tâm loạn trí mà mắc tội phản đạo.

Nên hiểu rõ, căn đồng thực sự cần phải mở phủ phần nhiều hơn 90% là trên tôn việc Thánh dưới gánh việc trần.

Vậy tôn việc Thánh là gì? Gánh việc trần là gì? Phải đọc phải tìm hiểu cho kỹ cho thấu đáo.

Những người căn sâu được mở phủ là những người được chư Thánh chọn tu hành và làm việc sau khi thành đồng để được chư vị Thánh nhân ân duyên và sau này đầy quả cha cắt mẹ cử cũng đi cứu độ muôn người chứ không phải ra đồng để hầu vui, xin lộc với tâm mong cầu. Ra đồng không phải chuyện đùa mà ra để trả nghiệp, để tu, để trên lo việc Thánh dưới gánh việc trần đúng nghĩa, phát dương ngọn cờ uy linh của Đạo Việt.

Quan Thầy thay mặt Đạo Mẫu và “mở phủ” như là lễ kết nạp và ra mắt người tu đạo. Sau này đã đủ chín cha cắt mẹ cử làm việc cho chư Thánh.

Người nào được Thánh Thần chọn, thì đàn to lễ lớn tố hảo hay đàn sơ lễ mỏng cũng không quan trọng. Vì cái chính là Thánh thần đã chọn trong vô hình và bản thân ta cũng đã trong kiếp này nhân duyên vận mệnh mình tự lựa chọn (hiện nay số này lại ít quá chiếm 1% đến 2% các con đồng, còn lại phần nhiều là đua theo trào lưu hay do tâm sân si ngã mạn hay mong cầu, tà ám, oan gia dẫn lối mà nên).

Quan Thầy đỡ bóng đưa đường dẫn dắt con nhang được nhận người về tứ phủ (mở thông bốn phủ) dẫn dắt con nhang sao cho đúng lề lối phép tắc mà tu. Còn đàn lễ tố hảo hay chỉ có bát nước cơi trầu chỉ là hình thức, không hề quan trọng.

Miễn là Đồng Thầy dẫn trình có lệnh khai hồ đỡ bóng và mở đúng người đã đến nhân duyên cần mở phủ.

Ngày nay, một số bạn trẻ bị tà dụ mê hoặc tưởng mình có căn vì cảm thấy số mệnh không như ý. Vấp ngã trong cuộc sống, tiền tài, hạnh phúc, tình cảm, danh vọng … vẫn có thể cải biến được, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân người đó.

Đừng cố tình mặc nhiên đổ cho có căn với nhà Thánh. Đừng tự huyễn nghĩ là mình có căn chỉ vì thấy cuộc sống mình khổ để rồi căn đồng số lính thì không thấy đâu mà ra mở phủ chỉ khổ thêm.

Mặc dù vận mệnh của con người là đã được Thượng Thiên an bài, nhưng kỳ thực vẫn có thể thay đổi được. Mọi người chỉ cần tích đức hành thiện. Đây chính là cái phúc mà chúng ta tự tạo ra cho mình để thay đổi dần dần số mệnh kém may mắn.

Các con đang nghèo khổ phần nhiều cho rằng làm việc thiện tích đức chỉ là dùng tiền cứu giúp người nghèo hoặc cho người nghèo vật chất của cải… Còn bản thân không đủ ăn thì làm sao nghĩ đến chuyện làm việc từ thiện để có công đức kia chứ?

Nhớ rằng: Làm việc công đức việc từ thiện không nhất thiết phải có vật chất dư giả, hay kinh tế địa vị… Điều quan trọng nhất là ở tấm lòng, ở cái tâm con người và thiện tính của người đó cùng cách làm.

Có những lúc người khác đang tuyệt vọng thì chỉ cần một câu nói, một ánh mắt, một nụ cười hay một nét mặt ôn hòa, một sự động viên hay đồng cảm, chia sẻ, cũng đủ để cứu giúp một đời người.

Chỉ cần có tâm, thì một việc làm nhỏ cũng có thể tạo ra vô lượng vô biên công đức. Bởi vì, chính cái tâm lương thiện ấy đã là to lớn vô cùng. Thật tâm làm việc thiện lành không quản đó là việc lớn hay nhỏ đều có công đức thực sự.

Hãy sống thiện tâm và chân thành, đảm bảo tà ma sẽ không dẫn dụ được các bạn và có thể vượt qua cơn bĩ cực.

“Đức thiện Quỷ Thần kinh”, đến quỷ thần còn nể sợ người có đức thiện thì nói gì đến tà ma.

Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện lành nhỏ mà không làm!

Đừng mong một phép mầu nào vì có căn còn khổ hơn không có căn nhiều.

Đừng mong có căn đồng.

Nhà Thánh là nơi đi chốn về của những người có nhân duyên căn quả sâu dầy.

Đừng vì khổ trong cuộc sống mà nghĩ mình có căn rồi hấp tấp ra đồng mong một phép màu nào đó để mình sung sướng hơn hiện tại, cải thiện tình trạng hiện tại.

Không có việc không làm mà hưởng!

Hãy cố gắng cân nhắc kỹ khi ra đồng để nếu đúng duyên đúng căn thì nhất tâm ra đồng nhập đạo và nỗ lực tu đạo không ngừng. Còn đã không có căn hay căn nông thì lo cố tu sửa tâm tính và cải thiện đời sống của mình, đừng cố ảo vọng bản thân, cố ép mình thành “có căn” rồi ra trình đồng mở phủ, nhập đạo mà không tu đạo thì chỉ có tích nghiệp rồi khổ mình, khổ gia đình, khổ con cháu sau này mà thôi.

Dạ thưa thầy, chúng con xin ghi nhớ lời thầy chỉ dạy ạ !

Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Quốc Thêm – Tự Tuệ Trần “Thầy Trần”