Chủ Nhật, Tháng Ba 26, 2023
HomeTâm linh - Tín ngưỡngĐạo MẫuMối quan hệ giữa gia tiên và đạo mẫu

Mối quan hệ giữa gia tiên và đạo mẫu

Mối quan hệ giữa gia tiên và đạo mẫu

Mối quan hệ giữa gia tiên và đạo mẫu

Thưa thầy, chúng con nhận thấy hiện nay số lượng đồng nhân mới nhập đạo ngày càng đông, đi xem các nơi đa phần đều được nói có “bà cô ông mãnh” dẫn dắt đến, hoặc là báo mộng hoặc nhắc nhở (với những đồng sát âm)…Như vậy gia tiên con đồng có liên quan mật thiết đến việc đồng nhân biết và có duyên nhập cửa Đạo ta.

Nay xin thầy giảng giải cho chúng con được thông tỏ ạ?

Được các con ta,

Ai trong các con chắc cũng biết câu: “Ra thì dễ giữ lễ mới khó”.

Hiện nay có rất nhiều thầy bà đang lợi dụng và lừa đảo những người nhẹ dạ quy hàng cửa đình thần tứ phủ. Trong số đó, những người bị vong tà ám thân chứ không phải do căn nghiệp cửa Đình Thần lại rất nhiều.

Thực tế gia tiên tiền tổ là yếu tố chiếm 80 % thúc đẩy căn duyên của con cháu khi quyết định quy hàng bốn phủ. Nên nếu nói vấn đề này thì quả thực những thầy bà lừa đảo buôn Thần bán Thánh lại chắt nhặt thêm những kiến thức cơ sở về tâm linh học và bằng sự khéo léo mồm miệng của mình sẽ lại lôi kéo không biết bao nhiêu người không căn quả hoặc không chắc đã phải trình đồng mà tu tập phải khổ.

Đặc biệt thời buổi mỗi vấn hầu ít nhất hàng vài chục triệu như bây giờ (nhà đền, cung văn, pháp sư, hầu dâng, sơn trang, phát tấu, hoa hương mồi nến ….. chưa nói tiền bàn loan vỗ gối , ăn uống lộc lá …). Nếu không có căn, căn nông không phải ra đồng mà bị dẫn mê, lôi kéo để ra đồng hầu hạ thì còn vất vả hơn.

Nay nói cho các con những ý chính, nếu kiến thức này có truyền ra ngoài thì mọi người đều hiểu ít nhiều, tự thân sẽ có sự gạn lọc mà cân nhắc về căn quả của mình.

Chúng ta biết trong tâm thức của dân Việt Nam luôn luôn đặt sự hiếu trọng người đã khuất lên hàng đầu. Như câu chuyện về chàng trai (trần truồng) lấy công chúa vì bố chết mà cả nhà chỉ có một bộ quần áo nhưng sẵn sàng mặc vào thây ma bố mình để chôn (cũng vì chữ hiếu đó mà lấy được công chúa).

Kể cả phong tục tùy táng những đồ dùng (chia của) cũng bắt nguồn từ Bách Việt phương Nam. Và từ xưa kia chỉ có các dân tộc phương Bắc mới đi đào mồ quốc mả người khác hoặc những dân tộc Tây Nam Á hay dùng những đồ lấy của người tạ thế để lại.

Đặc biệt dân Nam ta có câu châm ngôn ví chỉ kẻ khốn nạn nhất trong các sự khốn nạn, loại người không ra gì nhất: “cái loại đào mồ quốc mả”. Câu này không phải ám chỉ những người làm nghề bốc mộ hay chôn cất mà chỉ những kẻ chuyên phá phách và thất đức khốn nạn.

Cho nên sự tôn trọng về thể xác và thần hồn của người đã khuất hay thế giới bên kia không bao giờ bị coi nhẹ.

Trước đây tục lệ văn hóa của các cụ Việt rất nhân văn: cơm mới trước cúng trời đất Thánh Thần, sau cúng gia tiên thì mới được lấy gạo mới ra ăn hoặc cái gì có mới nhất cũng đều đem cúng gia tiên trước khi ăn (ví dụ như nếu mùa nhãn , mùa vải, mùa na,…. nếu muốn ăn phải mua về cúng gia tiên trước sau đó mới được mua cho mình ăn, nếu chưa cúng gia tiên mà lại mua ăn trước thì bị coi là kẻ vô giáo dục và bất hiếu, không tôn trọng các cụ tổ tiên).

Còn có câu: “Sống vì mồ mả không ai sống cả bát cơm”.

Như vậy nói nên rằng văn hóa bản địa của dân Việt khác nhiều với phương Bắc và phương Tây Nam Á. Giải đất Đông Á (giáp biển) nói chung đều có nhiều nét tương đồng về tập tục và văn hóa và tín ngưỡng thờ cúng các linh hồn.

Nguồn gốc tín ngưỡng thì lại hơi khác nhau về xuất phát của từng dân tộc. Nhưng tựu chung vẫn luôn luôn tin tưởng vào sự tồn tại gần như vĩnh cửu của thế giới bên kia và các vong linh đó gần như luôn luôn song hành với con cháu.

Đối với dân Việt Nam thì đặc biệt hơn do tiềm thức (gần như trước đây tuổi thọ thấp và số lượng người chết trẻ cao, do chiến tranh liên miên những người lính ngã xuống đều trẻ, có rất nhiều người bằng tuổi Thánh cậu Trần Quốc Toản với anh Kim Đồng)… Bởi những yếu tố trên nên dân Việt ta không một dòng họ nào không có người chết trẻ và luôn cho rằng những người chết trẻ chưa lập gia đình nên chưa được hưởng thụ những gì cuộc sống tốt đẹp dài lâu của một đời người. Do quan niệm như vậy nên các vong đó rất oan ức nên rất linh thiêng (chết trẻ khỏe ma). Nếu trái ý những vong đó hoặc để họ không thoải mái thường hay phá phách (tác quái).

Vì vậy việc thờ cúng những vong hồn chết trẻ càng là việc luôn luôn hệ trọng.

Chưa có dân tộc nào coi trọng việc này như người dân Việt Nam ta.

Trên ban thờ ở nhà trong các gia đình Việt luôn luôn có một bát hương thờ tổ cô ông mãnh (các nước khác không có). Ngoài đền cũng có miếu cô miếu cậu ngoài cửa (khác với hàng Thánh cô Thánh Cậu trong các giá hầu).

Cũng bởi vậy, tín ngưỡng Đạo Mẫu xuất phát từ Mẫu hệ của các tộc Việt cổ, mà người thương yêu chăm sóc đứa con nhất lại là người mẹ.

Cũng bởi Đạo Mẫu là tín ngưỡng mà trong đạo đa phần Thần Thánh được tôn thờ là những linh hồn của các vĩ nhân danh tướng và những vị tiên hiền, Thánh hiền của dân tộc Việt, được hun đúc bằng tín ngưỡng lực do dân nguyện mà thành Thần thành Thánh.

Thế nên yếu tố mẹ và con, tướng và quân lính, thầy và trò khó tách rời dù đã là Thánh nhân hay linh hồn của thế giới bên kia.

Vậy yếu tố gia tiên trong đạo Mẫu là yếu tố không thể thiếu, đặc biệt là các bà cô tổ ông mãnh tổ.

Như câu hát văn trong các giá hầu bà cô tổ ông mãnh tổ có đoạn:

… Lưu ân giáng phúc muôn vàn

Phù hộ con cháu bình an gia đình

Ra tay sát quỷ trừ tinh

Cô lên tấu đối, để đình sắc ban

Tâu rồi trở gót tràng an

Phù hộ cho họ, thọ tràng thiên xuân…

Ngoài ra cũng có một số gia tiên của một số dòng họ được khâm trực của Đình Thần vì nhiều yếu tố: Có thể là quân thần từ lúc chư Thánh tại thế (Câu cửa miệng “Thần thiêng do binh tướng” là chỉ chỗ này).

Vấn đề gia tiên tiền tổ ảnh hưởng thế nào đến con đồng, đến căn quả, cơ hành và nghiệp căn đều đã giảng qua.

Nay ta nói thêm cho con một chút: Trong dòng họ không phải ai cũng có căn thiên xuất địa sinh và có nợ nghiệp căn, nhân duyên căn với nhà Thánh (có căn đồng) nhưng tất yếu trong tộc họ, gia đình sẽ có người: nhân, cơ, nghiệp duyên lớn có nợ nghiệp căn (chỉ ít và nhiều).

Vậy tại sao hơn 50% các người bị cơ hành phần nhiều lại do gia tiên mang lại thậm chí gia tiên còn hành nên hành xuống. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ta phải biết làm người không ai có quyền chọn cha mẹ và không ai không có tổ tiên ông bà. Dù những vị đó ra sao như thế nào hay có gây ra bao nhiêu trọng tội, vi phạm bao nhiêu việc ác động đến luân thường đạo lý hay tạo bao nhiêu nghiệp lực để ảnh hưởng đến con cháu.

Người Việt Nam có câu rất hay: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Quy luật tất yếu có vay có trả đó là sự kế thừa cộng nghiệp.

Ví dụ đơn giản như:

Ông cha ta bằng quyền lực hay thủ đoạn mưu mô chiếm đoạt tiền của phi lý (không nói đến giết người cướp của, hay thập ác bất xá gì. Chỉ nói đến việc xẩy ra như cơm bữa bây giờ như tham ô móc ngoặc trốn thuế ăn chặn đút lót, hàng giả, hàng nhái …. ăn cắp bòn rút của công sống trên mồ hôi sương máu nhân dân …).

Ông cha ta kiếm tiền bằng cách đó để về nuôi con ăn học, tiêu pha hưởng thụ hơn người:nhà lầu xe hơi, du học tây tầu hơn người, hưởng thụ vật chất và mọi cái từ trong trứng…

Như vậy ta đang được thừa hưởng những đồng tiền không trong sạch, phi pháp, vậy ta có phải kế thừa luôn cái nghiệp của ông cha ta không?

Không có gì mà nhân đã gieo lại không có quả.

Trong khi đó bản thân ta vốn dĩ đã có một trong ba loại căn, kể cả loại nhẹ nhất là căn duyên, thì duyên cộng nghiệp, nhân quả không phải của một đời ông cha hay gia tiên mà thậm chí nhiều đời cộng lại. Để rồi có ngày trong họ có ta có duyên nghiệp cửa Đình Thần đầu thai vào và nhận lấy. Liệu có phải trả quả đó không?

Vậy ngoài các trường hợp Thánh bắt sát thì còn lại gia tiên và bà cô ông mãnh tổ bắt sát là thường.

Ta ngày xưa hay nghe các cụ nói:

“Thôi con ra hầu Thánh mở phủ trình đồng đi ghánh cho cả họ” .

Câu này không sai đâu.

Và nữa ta là người trần mắt thịt, như câu hát văn:

“Cung quảng hàn phất phơ bóng thỏ

Người trần phàm ai tỏ việc tiên.”

Vậy nên kể cả căn nghiệp hay căn nguyện chứ không nói căn duyên, ta cũng nhiều khi không biết là mình có căn quả với cửa Đình Thần.

Mà đã không biết thì rõ ràng phải có người nhắc, mà nhắc ta nhiều nhất là người thân cận nhất:

Đó là gia tiên, là tiền tổ bà cô ông mãnh.

Đầu tiên có thể là báo bằng các hình thức như: mơ mộng ứng báo những việc, những hình ảnh liên quan đến cửa Đình Thần để nhắc nhở, hay tạo nhân duyên ta đến cửa Đình Thần để mượn tay các Đồng Quan lính Thánh mà chấm đồng.

Nếu ta vẫn gan lì chưa chịu quy hàng cửa tứ phủ, gia tiên lại tạo những thay đổi về phần cuộc sống, về ứng xử … như tính cách, tâm tính, tình duyên, công việc, kinh tế…

Còn vẫn không nghe thì các cụ mặc kệ. Khi đó là mệt.

Chúng ta ai cũng biết câu “Âm phù dương trợ”. Nếu các cụ đã kệ rồi, mà con người thì có dương thì phải có âm mới cân bằng, ai cũng có gia tiên tiền tổ theo giúp đỡ.

Người giúp mình nhiều nhất là ông bà bố mẹ gia tiên tiền tổ. Vậy khi các cụ quay đi thì mọi việc đều không bao giờ thuận.

Ai là người nâng gót, che chở, đưa người cửa trước, rước lộc cửa sau, luôn phù hộ độ trì cho mình?

Vậy ta gặp rất nhiều chuyện rắc rối không hay thậm thậm chí kinh tế tình cảm có vấn đề là bình thường.

Mà khi các cụ đã mặc kệ thì rõ ràng không ai tấu đối với cửa Đình Thần xin che chở cho mình. Lúc đó căn mạng sâu dầy, bộc phát vậy là cơ hành điên dại cũng có.

Hoặc đến ngày đến giờ phải trả, các cụ gia tiên cũng bó tay với ta vì ta không nghe khuyên nên sai dịch của các Thánh cai đồng phủ mệnh tới điểm làm cho cơ hành các loại để trừ nghiệp căn là thường.

Cũng có trường hợp vì các cụ gia tiên muốn vào cửa Đình Thần theo hầu Thánh, muốn kề cận tấu đối với nhà Thánh để giúp họ tộc, nhưng cơ mỏng chưa đủ phúc duyên. Lại thấy con cháu mình có căn nên thúc ra bằng được để đi theo vào cửa Đình Thần. Mong theo duyên của con cháu, để cho mình hay người trong họ được theo phụng sự cửa Thánh tại các đội các cơ.

(Cũng giống việc như ta đã giảng có một số vong linh oan gia trái chủ, luân hồi phản kiếp, quyến luyến, tà quỷ xâm nhập những người có phúc mỏng nghiệp dầy, đóng giả gia tiên tiền tổ … cũng bày giả cơ hành hay tá nhập vào vì lý do đó, hay vì đòi nghiệp báo… quyến luyến tà vậy.

Thậm chí trong thời điểm loạn âm dương bây giờ, có khối người không căn quả , bị vong tà hành cơ lại được nhiều thầy non tay phán bừa là căn quả cũng cho mở phủ).

Còn khi bản thân ta là có căn quả đã ra mở phủ bởi phúc duyên thâm hậu căn sâu quả dầy, các cụ gia tiên hay báo hướng dẫn cách phụng sự cửa Đình Thần là chuyện bình thường.

Thậm chí do đồng khí cơ và mệnh lực, lại hàng căn cao, các cụ còn bầy cách cho lộc hộ đạo truyền đạo mà hành đạo, để trên lo việc Thánh dưới ghánh việc trần cho đúng nghĩa.

Nhưng cũng không thể có chuyện lạm dụng vượt qua luật lệ âm dương cho phép.

Mọi cái mà các ông bà đồng hiện nay đều đổ cho được báo và làm loạn, đều là tà hay lừa đảo cả. Có những việc gia tiên cũng không dám vượt rào.

Vậy nên có gia tiên theo hộ đạo rất tốt nhưng cũng không thể ỷ lại. Ta cũng vẫn phải tuân thủ những quy định bất thành văn mà phụng sự, sao cho có chuẩn mực.

Tóm lại:

Trong trường hợp ta chưa xuất thủ trình đồng nếu cơ hành, phải xem mình thực sự có căn không và sự cơ hành đó nguyên nhân do gia tiên, hay vong ma tà…

Nếu không căn mà vong ma làm loạn xử lý rất dễ và không tốn tiền.

Nếu chỉ là căn duyên, với thời điểm này cũng nên xem (nhất là những người trẻ tuổi), căn duyên của mình đã buộc phải ra khâm trực cửa Đình Thần chưa hay vẫn có thể dùng biện pháp khác vừa chiều ý gia tiên vừa khất kháo được để an căn mệnh và ổn định cuộc sống.

Còn nếu cơ hành khốn đốn, các bạn nên cầu xin gia tiên giúp mình trước.

Vì phải gánh thêm duyên và nghiệp cho dòng họ nên mỗi một dòng tộc có con cháu được hầu Thánh là quý báu lắm, gia tiên mình cũng thương lắm:

Cứ vài nén hương thơm, chén nước, quả cau lá trầu… nhất tâm cung thỉnh gia tiên tiền tổ, ba bề bốn bên, xin gia tiên kêu cầu tấu đối các cung các cửa cho con gặp thầy gặp bạn gặp vạn sự lành.

Từ đó Tổ cô, ông mãnh sẽ có trách nhiệm cắt cử vong linh trong họ đi theo độ cho bạn gặp được thầy có tâm đức.

Các con đã hiểu chưa?

Thưa thầy chúng con đã hiểu ạ. Chúng con cảm tạ Thầy đã chỉ dạy khai sáng ạ.

Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Quốc Thêm – Tự Tuệ Trần “Thầy Trần”