Thứ Tư, Tháng Ba 29, 2023
HomeTâm linh - Tín ngưỡngLịch sử Đền Bắc Lệ, Sự tích Đền Bắc Lệ

Lịch sử Đền Bắc Lệ, Sự tích Đền Bắc Lệ

Lịch sử Đền Bắc Lệ, Sự tích Đền Bắc Lệ

Lịch sử Đền Bắc Lệ, Sự tích Đền Bắc Lệ

“Voi Xô, Phú Vị, Đồi Nghè

Trong ba nơi đó chớ thường vãng lai”

Câu ca từ ngàn xưa đã nói lên sự hoang sơ, hiểm trở, hoang vu rừng thiêng nước độc bởi cọp beo thú dữ, giặc dã của con đường mòn từ Thăng Long lên ải Nam Quan.

Voi Xô, Phú Vị, Đồi Nghè từ xa xưa cả ba nơi đều có miếu thờ cho những khách bộ hành và dân thôn bản xứ khi đi qua nơi này trước là nghỉ chân sau là cầu mong các thần linh rừng núi sơn nhạc khuông phù cho chuyến đi được an toàn, đi may về mắn.

Đền Bắc Lệ (xưa là Miếu Bắc Lệ) xây trên Đồi Nghè, là một ngôi miếu cổ thờ Mẫu sơn trang cửa rừng.

Sau đến thời nhà Minh xâm chiếm thờ thêm một vị tiên nữ người Thổ ở miếu nhỏ phía trước đền Mẫu (Miếu thờ Chầu Bé). Tương truyền bà là một người con gái Vị thổ hào người dân tộc Thổ (Tày Nùng) khi đi rừng bị giặc Minh sang xâm chiếm nước ta bắt được, để giữ gìn trinh tiết bà đã tuẫn tiết tại Đồi Nghè và được dân lập miếu thờ tại chỗ cầu sắt sau chuyển vào (tại cung Chầu Bé ngày nay).

(( Truyện dân gian tích đền chưa biết đúng sai có nói sau bà hiển linh hóa thành bó đuốc dẫn đường cho vua Lê Lợi và nghĩa quân thoát chạy khi bị giặc Minh truy đuổi. ))

Từ ngàn xưa ngoài khách bộ hành đi qua vào lễ xin thuận buồm xuôi gió buôn may bán đắt thì tương truyền những người trắc trở tình duyên đều sửa lễ lên miếu bà để cầu duyên.)

“Kim chi ngọc diệp rành rành

Chầu Bé Bắc Lệ giáng sinh phàm trần.

Vốn tiên nữ hằng nga giáng thế

Cõi trần phà ai dễ biết đâu.

Chầu bé thượng Thổ Mường là gốc

Áo tứ thân khăn lục đội đầu

Đai xanh kiềng bạc túi trầu

Tay cầm dao quắm,vác bầu nước khe”

Mấy trăm năm bà được thờ phụng tại ngôi miếu nhỏ trên đồi Nghè trước miếu Mẫu sơn trang cửa rừng. Miếu được lợp lá, thỉnh thoảng hay bị hóa.

Sau này khi vua Lê Lợi sắc phong cho Lê Mại Đại Vương quản trưởng sơn lâm sơn trang và để tất cả các ngôi miếu đền trên thượng ngàn thờ Mẫu Thượng Ngàn, dòng sơn trang khi đó được ghép vào tam phủ thành Nhạc phủ trong tứ phủ.

Thời đó các đền trên thượng ngàn đều rước bát hương hay tượng Thánh Mẫu Thượng Ngàn Lê Mại Đại Vương về thờ, riêng đền Bắc Lệ ngoài Miếu chầu bé phía trước thì phối thêm các vị Mẫu vào Miếu trên để thờ cả ba tòa Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Lê Mại, Thánh Mẫu Xích Lân như hiện nay trên công đồng).

Cấu kết quần thể của cụm đền Bắc Lệ vẫn là đền trên thờ Mẫu và các quan cùng miếu Chầu Bé tại chỗ cũ phía trước. Đền thờ các tòa Thánh như vậy đã có mấy trăm năm.

Sau này từ khoảng năm 1888 đến năm 1902, người Pháp xây đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan theo tuyến đường mòn Thăng Long – Mục Nam Quan (thời đó các cửa rừng đều có miếu thờ thần sơn nhạc hoặc các anh hùng dân tộc các Mẫu cửa rừng cô bé cửa rừng). Trong quá trình thi công công trình đường sắt này, người Pháp tiến hành giải tỏa mặt bằng để xây dựng. Tất cả các ngôi miếu, đền ở trong hành lang đường sắt đi qua đều phải dỡ bỏ.

Khoảng 18 ngôi đền miếu bị dỡ bỏ. Đa phần trước các ngôi miếu thờ sơn nhạc thường chỉ có bát hương và mấy ngôi đền miếu tiêu biểu chính có đồ tế khí như đền Chúa Sơn Trang Đền đức ông Hoàng Thắng Hứa, Đền tướng quân Hoàng Công Chất (Ông hoàng Năm), Miếu Vũ Lôi quận công, Miếu nữ tướng Nông Thị Tầm, miếu Chúa Mán Tiên Nữ, miếu Ông Cai Kinh, miếu chúa Nguyễn Tiên Nữ…

Khi đó tượng pháp, đồ thờ tự, tế khí… của các đền miếu này đều được những người xây dựng đường sắt rước về quy tập tại cung trên, nay là cung công đồng tại Đền Bắc Lệ. Một số khác thì rước vào các động núi gần xung quanh, ví như đền quan Giám Sát Lạng Sơn rước đồ thờ, tượng Thánh vào động Ba Nàng, Cai Kinh (ngôi miếu này trước đây chưa thờ Thánh sau sự kiện năm 1979 thì thờ Ba Nàng con gái của một vị chức sắc người dân tộc mất trẻ. Thời điểm sơ tán đền Quan giám sát vào động Ba Nàng người dân trong đó mới thờ tứ phủ, lần một sơ tán năm 1889 và lần hai sơ tán năm 1979.)

Chính bởi vì việc làm đường sắt dẫn đến phá bỏ và quy tập đồ thờ tự của các đền miếu tại đền Bắc Lệ này, lại thêm đền Bắc Lệ là ngôi đền trên thượng đầu tiên thờ đầy đủ Tam vị Thánh Mẫu và hội đồng các quan, các chúa, các chầu… nên cụm đền Bắc Lệ mới được nhân dân gọi là Đền Công Đồng.

Sau này, khi đường sắt xây dựng xong, các đền lần lượt xây dựng lại và rước đồ thờ của đền về đền sở mới. Nhưng cái tên gọi Công Đồng chỉ các cung trong (không phải chỗ cung miếu Chầu Bé bây giờ) tồn tại trong hơn 10 năm đã trở thành một tên gọi quen thuộc và từ đó nhân dân đều dùng từ Công Đồng là tên gọi nôm của đền Bắc Lệ, gọi đủ ra là đền Công Đồng Bắc Lệ. Tên gọi đền Công Đồng là xuất phát từ nguyên do này.

Năm 1917, đền Công Đồng bị cháy mái và xuống cấp hư hỏng nặng đền được trùng tu. Năm 1919 cả khu đền công đồng lẫn đền Chầu Bé gồm tam quan đền chầu và công đồng 3 gian gồm 3 cung: Đệ Nhất – Đệ Nhị – Đệ Tam (cung cấm).

Theo bia ký hậu trùng tu năm 1919 của đền ghi rõ (Tôi tạm dịch):

Kính nghe:

Bậc Tiên thiên thánh Mẫu, Vân Hương thánh Mẫu, núi Sùng Lĩnh chung đúc linh thiêng, do đánh vỡ chén ngọc, Trời cho giáng sinh. Tương truyền cây gỗ quý nêu sử tích kỳ dị, trở thành nhân gian bất tử, tiếng tăm lẫy lừng, muôn phương ngưỡng đức.

Kính nghĩ:

Phố Bắc Lệ, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang phụng thờ ba vị Thiên tiên Thánh Mẫu, trong đó có Mẫu Thượng. Đền thờ Thánh Mẫu tỏ rõ linh ứng.

Trước đây đền lợp lá gianh, thường hay bị hỏa hoạn. năm Khải Định thứ 4, người Hoa ở thành tây Hải Phòng giữ chức Thông phán là Trần Khải Xâm cùng vợ là Nguyễn Thị Tỷ đã hiệp sức với các tín đồ xây dựng lại.trong đó góp tiền có Nguyễn Bá Xương cúng tiến 10 nguyên; Lưu Phúc Xương cúng tiến 20 nguyên cùng các bậc sắc dịch và khách thập phương cúng tiền cùng tu sửa mái ngói của đền chính đến 1.700 đồng. Số tiền cúng được 300 đồng, số còn thiếu do ông họ Trần tự xuất tiền của riêng ra tu sửa …..

Thực tình càng ngày càng loạn có những việc ba năm rõ mười như ngôi đền Công Đồng Bắc Lệ. Vậy mà nhiều người cứ nói ra nói vào rồi bôi vẽ hết tích nọ tích kia cho ngôi đền.

Ngôi đền Công Đồng Bắc Lệ là ngôi đền thiêng bậc nhất sứ Lạng, ngoài thờ chính cung Chầu Bé ra đền còn là ngôi đền thờ đủ ba tòa Thiên Tiên Thánh Mẫu và các vị Thánh tứ phủ đầu tiên trên miền châu thổ sơn cước.

Tuy đền sau này vào các năm 1933 và 1938 và gần đây có trùng tu nhưng cơ bản các ngôi thờ tự vẫn như xưa.

Ngày nay có những người gai ngọn nhọn hơn gai gốc lại hay bịa những câu chuyện biên chép thêm bớt những dữ kiện vô căn cứ không đáng có vào sự tích ngôi đền làm sai lệch hẳn lịch sử và ý nghĩa của ngôi đền linh thiêng này.