Hát văn – lấy đâu ra nghiệp?
Thực trạng đồng bóng hiện nay quá nhiều những đồng điên bóng dại, đồng dồ, đồng đú… từ tân đồng mới chập chững nhập đạo đến những người đã ra đồng nhiều năm. Có những người đã là đồng thầy, những người mang danh “đồng to bóng lớn, đông con nhang sang đệ tử…” cũng không hiếm những trường hợp hầu hạ biến tấu, lỗi đồng mà đôi khi chính họ lại chẳng nhận ra.
Người ta thường đăng lên mạng những video hầu hạ biến tấu, những cái dị hợm này lên mạng xã hội, để mọi người bình phẩm, ai nấy đều cho rằng thật là thời loạn đồng loạn đạo, thật là những kẻ ngu dốt mới hầu hạ như vậy, rồi bình phẩm là đồng dồ dại, rồi là đồng ma tà…
Tôi có dịp ngồi đàm đạo với thầy pháp văn nhà nhiều đời theo nghiệp dâng văn chúc Thánh. Cả hai đều phải công nhận thời nay cái chướng tai gai mắt trong hầu đồng không hiếm nếu không muốn nói là đã “nát như tương”. Nhưng luận đi cũng phải luận lại, vì đâu nên cái nỗi ấy?
Tân đồng mới ra đồng còn non dại, nhiều người chưa hiểu cơ bản về đạo, chưa biết phép tu của đạo ta độc nhất vô nhị và “hầu đồng” chính là phương tiện để thực hành pháp tu tập đó chứ không hề đơn giản… Nhưng còn biết bao đồng thầy kia, biết bao đồng lâu năm kia… vì đâu mà lại có cái sự ngược đời vậy?
À, thì lại nói về danh, về tiền, về chức vị, về ma tà báo oán, về oan gia đòi nợ, về nghiệp…, về mất cái gốc, không được thầy chỉ dạy đến nơi đến trốn… rất nhiều lí do. Nhưng còn gì nữa?
Tôi mới bảo rằng: Cung văn cũng là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến cái loạn đồng loạn đạo ngày nay, và cung văn không cẩn thận cũng đầy nghiệp ra đấy.
Bác pháp văn ngẫm nghĩ một lúc, gật gù đồng thuận: Bác nói đúng, cung văn giờ cũng loạn quá.
Lại có cậu đệ tử tâm sự cảm xúc bản thân về việc loạn đồng loạn đạo và sự rối loạn của cung văn thời nay. Dẫn đến “đồng tân” như cậu đệ tử tôi cũng nhiều bận vất vả khi hầu cha hầu mẹ.
Nay viết vài điều:
Trước tiên, phải nói đến hát văn (còn gọi là chầu văn, hát hầu đồng, hát bóng) là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của Đaọ Mẫu ta. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh (Văn ca chúc Thánh). Xưa vào thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn.
Tôi vẫn nhắc lại dù đã viết vài lần:
Chữ “Cung văn” có ý nghĩa đặc biệt. Thực ra chữ “Cung” 供 trong “Cung văn” có nghĩa là “cúng”, hay còn gọi chính xác là “cúng văn” nên xưa nay người ta mới gọi là “Thầy văn”, “Thầy pháp văn”.
Chữ “thầy”nó trân trọng lắm. Khi xưa muốn bắc ghế các cụ đồng phải cau trầu lên điện thầy pháp văn có lễ thỉnh mời thầy, có tịnh tài hẹn cọc để thỉnh thầy pháp văn xuống trợ duyên vào đàn bắc ghế.
Đặc biệt xưa kia muốn được dâng văn chúc Thánh thì cung văn phải có đồng và đã ra đồng, được chỉ dạy cẩn thận về lề lối phép tắc dâng văn.
Bản chất khi cung văn hát những làn điệu nhạc tâm linh cho một buổi lên đồng ( thông công thần linh ) thì hát văn có thể: ngoài những lối cách chính thì còn thêm vào các câu hát trên các làn điệu của dân ca gồm rất nhiều làn điệu dân ca như: cải lương, tuồng, chèo, chèo quảng, xẩm , những làn điệu xá,thậm chí ca trù, tỳ bà, quan họ, hò xứ nghệ, hò xé vải, cờn Huế…đều có. Nhưng khi những làn điệu này được đưa vào trong hát văn thì nó không còn như nguyên gốc nữa. Tức là không phải đưa hết cải lương, hết ca trù, đưa hết hò quảng, hò huế… vào hát văn mà văn ca hầu Thánh là tổng hợp và cải biến những làn điệu này để trở thành những khúc văn ca tâm linh riêng biệt với chất mà ta hay gọi là hát chầu văn.
Ví dụ như điệu ca trù chẳng hạn nó không còn nguyên gốc mà nó pha thêm văn… các làn điệu khác cũng vậy… biến những giai điệu dân ca bình thường Thành một lối hát đầy chất tâm linh với chức năng của nghi lễ tôn giáo phục vụ việc đồng nhân bắc ghế hầu Thánh được gọi là: giọng văn/ giọng hát cung văn.
Bao đời nay nhờ có các tiền bối cung văn nhất tâm dâng lên Thánh những bản chầu văn lời ca thanh thoát đúng lối đúng giọng, đầy chất tâm linh , cùng với nến, hương và không gian đền phủ tạo nên bầu không khí tâm linh vào một thế giớii thiêng liêng bao trùm, lời ca tiếng hát tiêu điều nhã nhạc của cung văn có vai trò quan trọng giúp cho ghế hầu đến gần hơn với việc kết nối âm dương, khai mở thần hồn, tiếp nhận Thánh ân giáng bóng và dễ nhập tâm vào vấn hầu hơn vào thể thiền động nhanh nhất.
Hay ta còn gọi nôm na lời văn ca nâng bóng Thánh .
Có thể nói, cung văn chính là “cầu nối tâm linh” trong vấn hầu và cũng thể hiện được vai trò một thầy pháp mời được Thánh và cũng tả được sự chân thiện mỹ của đạo Mẫu.
Các thầy pháp văn dâng văn nhất tâm, đúng lề đúng lối, làm tốt chức trách cầu nối tâm linh của mình cũng là tu tập, khi “sạch sành sanh còn manh áo đỏ” về với chư Thánh cũng có thể trở thành “ đồng quan lính thánh”.
– THỰC TRẠNG thì sao?
– cung văn là nghiệp đó là nghiệp của người làm thầy.
- Cung văn thành “Nghề hát văn”: Bởi thời thế, bởi cung cầu, người ra đồng ồ ạt, căn nông căn sâu, đồng thật đồng giả…đủ cả. Số lượng người hầu đồng lớn dẫn đến nhu cầu người hát văn cũng tăng theo, sinh ra việc hát văn trở thành “nghề kiếm ăn” mà những người không có đồng hay chưa ra đồng cũng đều tham gia. (Nhà Thánh vẫn ân duyên cho những người hát văn nhất tâm và không bắt lỗi nặng về việc đã ra đồng hay chưa hay không có đồng nhưng gieo duyên cửa đạo bằng giọng hát văn thiên phú nhất tâm – Nhưng số này quá ít).
- Về nhạc cụ:
Các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt (đàn quân tử), guitar phím lõm,( dùng trong hầu văn Huế) trống ban (trống con), trống đế, phách, cảnh, thanh la, sinh tiền, chén gõ (hầu văn Huế) và ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu.
Ngày nay thì những ghi ta điện, những đàn organ trống điện tử đưa vào hát văn hết…
- Về làn điệu: Các làn điệu hát văn cơ bản như: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú rầu (phú dầu), đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn ,Xá, xá lệch, chênh, Kiều Dương, Hãm, Dồn, kiều thỉnh, hát sai, vịnh, nói nối tỳ bà cung bắc, kể cả là các điệu mới kết hợp như hát then, hò Huế, cải lương, quan họ chèo Quảng… Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không.
Nay thì quá nhiều biến tấu, thêm thắt tự chế lời văn… phổ hết tân nhạc đến cải lương trữ tình… còn đâu tính tâm linh, linh thiêng trong lời hát?
Nào là cải lương “Con tìm về ninh giang nghe nỗi oan Quan Tuần ôi xót xa… oan thì lên kỳ cùng chứ về ninh giang làm gì ”; nào “Nghe tiếng chuông ngân, con thấy bóng quan Hoàng, loan giá nơi cung vàng, mặc áo choàng gấm thêu hoàng hoa”; “Mừng quan Hoàng …là mừng quan Hoàng…Vui ngự trần gian…Ngàn hoa nở đua sắc phô nhan….”, giá cậu lại hát “Hội đã tan rồi chia tay bên dòng sông… rồi khi múa đồng thì hết ( hẹn hò đêm trăng, tình nhi nữ, đại gia chân đất,tôn ngộ không hàng yêu quái, tây lương ký …… đủ cả
- Nhịp điệu: Phổ biến nhất là nhịp 2/4, ngoài ra còn có nhịp 3/7 dùng trong bản văn thỉnh Hội đồng. Đặc biệt, hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo dễ bề thăng hoa cảm xúc kết nối tâm linh.
Nay thì loạn, vừa hát vừa diễn vừa cười đùa, đêm cả tân nhạc biểu diễn hay thậm chí nhạc remix, nhạc sàn, nhạc bar, nhạc tây nhạc tầu boledo ….… đủ loại. Trống đánh ầm ĩ loạn xạ, ghita réo giắt giật cục, nhạc tấu nhanh, hát vội vã hơn chạy loạn, chẳng cần nhịp điệu, chả cần nhấn nhá đảo phách…
Giờ thì thôi rồi ngay trên các trang Wet diễn đàn của tầu họ bàn luận di sản thờ Mẫu của bọn Việt nam là di sản Bắt Trước toàn học của TQ và hầu theo nhạc của TQ nó còn kèm minh họa VIDEO một con đồng đang hầu tại một ngôi đền mặc khăn áo trắng tinh như tiên nữ múa trong hội bàn đào ở Phim của tầu và với cái đoạn nhạc tình nhi nữ cùng các lời bình luận và các ảnh cùng vi đeo đủ loại…. tôi không dám dịch cho các bạn đọc
THẬT ĐAU LÒNG! !!
Đồng trẻ ngày nay hầu được với những văn thế này (phần vì chưa hiểu rõ quy tắc, chưa hiểu thế nào là Hầu đồng , chưa cảm nhận được bóng Thánh , ( cũng trả biết là mình hầu thánh có giáng bóng không mà vứ quẩy như trên sàn cái đã) rồi phần vì giờ hát văn vô học nhiều lên tìm đâu hát văn cổ???, rồi đền phủ giới hạn thời gian hầu hạ, hát không nhanh khéo không kịp hầu cả vấn trong vài tiếng…, thôi thì đành cứ hầu vậy, nhất tâm mà hầu đúng sai ko cần biết cứ diễn đã , và biến cái xập công đồng của Nhà Thánh thành sàn diễn …), chứ đồng già đồng cựu rồi các cụ xưa chắc nghe còn không được nửa câu chứ khó nói đến chấp nhận kiểu hát văn pha trò này để mà hầu cho nổi cái máu diễn.
BỞI ĐÂU có sự biến tấu biến chất này?
- Trước nhất là bởi chữ Tham. Bởi nay hầu đồng là xu hướng, người ra đồng đông quá, hầu hạ nhiều quá, và đã hầu là phải có hát văn, thế là “Cung cầu – Mua bán” nảy sinh. Có khi còn phân chia thời gian, chạy “show” không kịp. Nghề nào chả phải học và học hát văn để hát cho các cô cậu đồng đua, đồng đú ngày nay lại chẳng khó (đâu cần quy tắc, nền nếp rèn từng câu từng chữ 4-5 năm như các cụ ngày xưa). Khóa cấp tốc 1 tháng, có chỗ 1 tuần… là đi “hành nghề” được rồi. Tiền dễ kiếm quá, ai lại không ham?
- Thứ hai bởi: Đa số người hát văn giờ không phải người có đồng (dù có người cũng ra đồng hầu hạ nhưng là ra đồng cho nó hợp xu thế, cho thuận tiện công việc, cho dễ mang danh “nhất tâm”… chứ không phải căn quả tu tập). Khi đã không xác định tu tập, không hiểu ý nghĩa hầu đồng là pháp môn tu của đồng nhân, không hiểu hát văn là cầu nối tâm linh của canh đàn… thì chỉ hát cho có/ hát thuộc… chứ nào có ý nghĩa tâm linh, kết nối hay nhất tâm dâng Thánh gì?
- Thứ ba là: Không sợ Thánh Phạt. Bởi lắm kẻ hát văn chỉ nghĩ mình chỉ làm lấy công, thuận bán vừa mua.
Xưa các cụ hay nói: “Cung văn là chồng, ông đồng là vợ”.
Thực ra về nguyên tắc người hát văn phải dâng Thánh, nhà Thánh hầu như thế nào thì cung văn phải dâng như thế. Nhưng không phải là để cho người lên sập hầu thích làm gì thì làm. Cung văn dâng văn cũng phải biết đúng biết sai, biết đâu là người hậu hạ đúng phép nhất tâm, đâu là biến tướng, hầu hạ loạn xạ…
Những kẻ hầu Bác Hồ, hầu Ngọc Hoàng, hầu Quan Âm… hầu những giá hầu quái dị… cung văn không hát liệu đồng có hầu?
Những kẻ điên dại múa loạn trên sập, hầu Thánh mà như lên bar lên sàn… nhiễu loạn chốn đền phủ. Nếu lúc đó cung văn không hát không đàn, không a dua theo bởi nhạc tân thời thậm chí nhạc sàn, nhạc remix nhạc tầu nhạc indo… nếu cung văn giữ đúng phong cách nhạc chầu văn nguyên bản, tôn nghiêm đầy tính tâm linh của văn ca dâng Thánh … liệu con đồng có dám làm loạn tiếp hay phải tự dừng lại?
( thông công thần linh ở đâu, bóng Thánh ở đâu? )
Thậm chí có đứa dựng Thần dựng Thánh rồi cũng thuê văn viết chế văn cho cái vị Thần Thánh ko có Thật và không có thực đó , ấy vậy mà Thành Phong trào hầu hạ tung trời.
Và các cung văn cũng thi nhau googoole học lời để hát cho kịp thời đại đồng diễn kẻo lỗi mốt.
Tôi thì không phải Thầy pháp văn nhưng tư cách một đồng nhân tôi thấy ,khổ nỗi hát văn ngày nay lắm kẻ chả biết gì, chả có ai dạy ai truyền để mà giữ đúng truyền thống, chỉ biết tiền và đôi khi là sợ “mất khách”. Cứ chăm chăm theo ý ghế hầu (người trả công cho mình), cứ hùa theo, ghế thích hầu sao thì hầu, thích hầu giá nào, ông nào bà nào cũng được hết. Gía hầu lạ không có lời văn thì chế lời văn, giá hầu dị hợm thì hát văn phô trương, nhạc nền chát chúa… cứ sao ghế muốn hầu là văn hát được … Nghĩ rằng ta làm việc ta, vô thưởng vô phạt. SAI RỒI. Có thưởng và cũng có phạt, có cả oán nghiệp đó (Nói rõ ở mục sau).
Có tiền thì chiều ko tiền thì hát cho gọi là có hát ,.
Lại nói: Tuy rằng luật nhà văn có hát thờ và tứ quý sám hối nhưng cũng không vịn vào đó tặc lưỡi mà chiều theo bọn cậy tiền lên sập hầu muốn làm gì thì làm rồi về hát thờ sám hối với nhà ngài là xong mai vẫn chiều theo đồng nát.
- Thứ tư: Biến tấu lời hát để khích động ban tài ban lộc từ ghế đồng
Đồng tân mới vào còn yếu bóng, đôi khi mê đồng… nhiều người thì ưa sang, ưa cảm giác phấn khích, cảm giác được trọng vọng, cung phụng, người vái lậy dạ vâng lúc hầu…(chưa nói là có bóng Thánh hay không)… dẫn đến bị khích động, bị dẫn dắt… khi nghe văn “nịnh”…
Thế là đã đâm lao theo lao, đã sang là phải chảnh, phải thể hiện… từ đó tiền lại rót thêm, văn càng hát khỏe, càng nịnh ghế …. Rồi tung tiền như mưa, phát lộc không ngớt…
- Thứ năm: Để gây sự ủng hộ xung quanh và PR bản thân (độc – lạ – Livestream câu view…, đắt khách và để cạnh tranh, thậm chí mua danh mua tiếng (nghệ sỹ/Nghệ nhân…) . Cũng bởi giờ hát văn đông không kém đồng nhân, hát văn lắm người nổi tiếng hơn nghệ sỹ trong showbiz, muốn nhờ phải book show trước cả tháng cả năm, giá cả cũng ở trên trời…
HẬU QUẢ là gì?
- Mất ý nghĩa linh thiêng trong hầu đồng, không có tác dụng dẫn năng lượng đón bóng Thánh.
Ghế đồng bị cuốn theo lời văn biến tấu, mê đồng “giả tín”, thể hiện, diễn …trên sập…không tập trung tâm ý vào canh hầu, không đón được bóng Thánh. Canh đàn vô nghĩa chỉ cho người trần xem, đàn lễ thất bại, không có ý nghĩa tu tập nào cho ghế.
Vấn hầu không có tác dụng tu tập, không mài được vết khắc nghiệp trả nợ oan gia trái chủ, trả nợ cho gia tiên tiền tổ… Nhà Thánh trách phạt 1 thì chính oan gia, chính gia tiên của ghế oán than, căm giận hát văn 10. Từ đó mà sinh ra oán nghiệp.
- Mất đi sự tôn trọng với pháp văn
Cũng bởi suy nghĩ thuận mua vừa bán, bởi người hát văn giờ quá nhiều, bởi những biến tấu, những canh hầu chả ra sao mà văn vẫn hát…. (Tuy không phải tất cả nhưng lại là hiện trang chiếm đa số).
Nay người ta coi chầu văn đơn thuần là diễn xướng, là biểu diễn. Người ta đem các làn điệu chầu văn vào karaoke, hát đám cưới, hát mừng thọ thậm chí hát mừng hội nghị, tiệc cuối năm công ty… rồi cả đám ma nữa .
Tính nhạc Thánh lễ Thánh Ca, nhạc tâm linh bị gạt bỏ. Sự tôn trọng giành cho người hát văn giảm đi, chả mấy ai được gọi với danh “ thầy văn” nữa, mà người ta gọi là “ thằng cung văn , hát văn/ thợ văn…nhiều hơn”.
- Người xem, người dự hầu bị lời văn và sự diễn của ghế, những hầu hạ dị hợm/ sự biến tấu của văn làm ảnh hưởng. Rồi ồn ã, náo nhiệt… như ở chợ ở đường… không còn thấy linh thiêng, nghiêm túc, mất đi nguyên tắc từ cái cơ bản của vấn hầu thì người xem sẵn sàng hú hét, la gào, khua chiêng trống, đùa cợt, trêu đùa nhau…thậm chí khích tướng nhau trong vấn hầu dẫn đến ko còn vẻ linh thiêng và chỉ đầy sự dung tục tầm thường kẻ diễn người xướng và trong con mắt người dự hầu và bách gia canh hầu đó chỉ là cuộc trình diễn vui vẻ tầm thường không hơn không kém và cái ghế đang mặc áo Thánh kia chỉ là cái đứa nhẩy múa hò hét bỏ tiền thuê hát mua vui hoặc tổ chức múa cho vui trên sập trong đền ko hơn không kém , lúc này đối với người đi dự hầu cũng mất cảm giác đang dự hầu đồng mà sẽ sinh cảm giác bằng vai phải lứa với ông Thánh ( mất cái Quân Thần chúa tôi , cái Tháng Phàm dị biệt và sự tôn trọng nhà Thánh tại đồng nhân đang bắc ghế) .
Xưa kia nhạc chầu văn đậm chất tâm linh, xung quanh ai cũng một lòng hướng Thánh, kính Thánh trọng ghế đồng, ghế hầu giá chầu giá chúa đố dám ai vỗ tay hay gây tiếng ồn chứ đừng nói hú hét pha trò lố lăng, có chăng chỉ dám cười vui vỗ tay giá cô bé, cậu bé mà thôi.
Giờ thì ăn uống hú hét cười nói , ngay kể cả Đồng nhân đang Phán truyền thì có ông vung văn vẫn gẩy đàn so dây hay thử nhạc cụ át hết cả lời Phát truyền rồi hậu quả dẫn đến người ở dưới cũng thi nhau buôn dưa lê nói to ko kém.
Biết là vụng chèo khéo trống , nhưng giờ trống to gấp 10 lần chèo .
Bởi sự nhố nhăng này tín nguyện lực từ ghế hầu không còn mà chữ kính tín từ bách gia cũng chả thấy. Hình ảnh hầu đồng (nghi lễ tín ngưỡng và cũng là pháp môn tu tập của đạo ) bị bóp méo trong mắt người xung quanh, từ người có đồng , ra đồng, chưa ra đồng, từ người trong đạo đến ngoại đạo, người trong nước đến ngoài nước… Nay đơn thuần là Diễn và Xướng.
- Tạo thành nếp diễn/ nếp hầu hạ/ thành cái tiêu chuẩn sai lệch về hầu đồng, hát văn: Chi phí ngày càng tốn kém (bị gán mác đạo tốn kém nhất), hầu hạ ngày càng phô trương (sẵn sàng vay nợ để được 1 khóa hầu sang chảnh bằng người), không có ý nghĩa tu tập ban đầu không có ý nghĩa trả nghiệp cho mình cho oan gia cho gia tiên.
- Người hầu hạ tu tập theo chuẩn chỉnh gặp thêm chướng ngại:
+ Chi phí canh hầu cao, xưa thì hát văn chỉ cần tiền cọc còn thêm bao nhiêu thì tùy. Nay có giá chung và phân chia độ sang chảnh, mức độ nhiệt tình của hát văn theo mức tiền chi /phát lộc cho văn…
Đồng nghèo lính khó thêm phần vất vả.
Rồi không thiếu những người vay nợ để mời cung văn hát nhạc đời mới cho sang chảnh, tiền vỗ gối cho cung văn chiếm đến 4/5 canh đàn khóa lễ .
+ Lời văn biến tấu/ canh hầu biến tấu nhan nhản trên mạng xã hội, người tu chân chính dù biết mình phải tu phải tập theo lối theo dòng nhà mình nhưng khi xem quá nhiều, nghe thấy quá nhiều… và đôi khi bị ám thị bởi những điều được nghe/được xem/được dự hầu… dẫn đến khi hầu cũng bị ảnh hưởng theo những văn những diễn đó… một cách vô thức không chủ ý.
Nếu bản hội và dòng đồng không có nếp đồng nghiêm ngặt, đồng thầy không nghiêm khắc nắn chỉnh, giảng dạy lại cho đồng con kĩ càng khi đồng con “ học” bên ngoài thì đồng con bị biến chất rất nhanh. Khi nó đã thành thói quen hầu hạ, khi cái “ám thị” nhất thời không được chấn chỉnh thì nó thành bệnh, thành ghi nhớ, thành tiềm thức và lâu dần thành vết khắc trong thần hồn. Người ta tự mặc định đó là đúng, là chuẩn… người ta tự dâng cái tôi của mình lên để đảm bảo cho cái đó là đúng. Lúc này, dạy dỗ uốn nắn đã muộn.
VD: Thấy tung tiền lên sập mình cũng tung tiền lên sập, thấy người ta hầu bà chúa then còng lưng mù dở cũng còng lưng giả mù, thấy hầu chúa ót bịt mắt 1 bên cũng bịt mắt 1 bên đen xì như hải tặc, thấy hầu ngọc hoàng bác hồ hầu công chúa…. hầu đồng mà cứ diễn múa ầm ầm nhảy chồm chồm… rồi miệng chê bai nhưng xem nhiều quá bất giác lên hầu cô cũng chân nhảy tay khua, thấy người ta hầu chầu hầu chúa chân đi ngang sập như con cua bò ngang mình cũng học theo… thấy người ta hầu hạ đàn lo lễ nhiều, tiền rải … mời được văn nổi tiếng … cũng cố mời cho được về canh hầu của mình cho có tiếng sang chảnh (dù văn hát không bằng người ta đánh vần…)
Nói là chướng ngại chứ không phải là tất cả người tu đều bị những hát văn sai lệch biến tấu này làm cho sai lệch theo. Đồng thật họ coi đây là chướng ngại, có người vượt qua dễ dàng, có người vất vả vượt qua, có người đã từng sai và đã chấn chỉnh lại… Để canh hầu vẫn đón được bóng Thánh, vẫn tu theo pháp môn cửa Thánh và canh hầu vẫn chu viên đúng nghĩa.
+ Nhưng còn những đồng tân lính mới, những người tìm hiểu đạo, sắp nhập đạo… thì sao? Bởi rằng giờ nhan nhản hầu hạ lố lăng, hát văn biến tấu… dẫn đến ngoài bị ám thị trong suy tưởng còn bị hiểu sai ý nghĩa của từ “truyền thống” – Đây mới là điều đáng lo ngại.
Xét ra, nếu những kẻ hầu hạ sai trái kia, những hát văn kệch cỡm và biến tấu kia cứ tồn tại, cứ già đi…. thế hệ đi sau mới chập chững nào biết đâu với đâu, thế là cứ kính người đi trước, kính những “đồng to, đồng đền…”, kính đồng anh đồng chị trong đạo, … ông đó Hầu Mẫu , bà đó hầu chúa này chúa kia… hầu thế này thế kia., các cụ hát văn thế này hát văn thế kia….có khi trăm năm nữa những video hầu hạ của những kẻ đồng dồ đồng dại, đồng biến tướng đua đòi những câu văn chế những làn điệu ngoại lai kia lại thành video viral trong giới trẻ, được thế hệ sau học theo… một cách nghiêm túc với câu “ các cụ xưa hầu thế, hát thế…”.
Lúc đó mới nguy hiểm, bởi rằng hỏng không phải 1 thế hệ mà nhiều thế hệ đồng mất rồi. Mất đi lúc này là truyền thống đúng nghĩa, hầu hạ đúng nghĩa, tu tập đúng nghĩa.
Tưởng rằng đơn giản, nhưng vô cùng tai hại.
Nghĩ cho kỹ, giờ còn vị hát văn nào nghĩ mình cứ hát, cứ hùa, cứ “làm công ăn lương” … là vô lo vô nghĩ, là vô thưởng vô phạt không?
Chính các vị đang góp tay phá hoại đạo.
Chính các vị đang cổ súy cho suy đồi và biến tướng đạo.
Chính các vị cũng phải chịu trách nhiệm cho những sự tha hóa của đạo cả hiện tại và tương lai.
Các vị đang đầy nghiệp đấy!!!
, đã cầm tiền có mùi hương khói mùi tín nghưỡng chỉ sơ sểnh ra là tích nghiệp.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều Thầy Pháp văn dầy nghiệp bởi chạy theo đồng tiền.bởi mắc lỗi trên điện thần mà oan gia trái chủ và gia tiên của con đồng họ chấp ( chứ ko nói đến mấy người ko ra đồng ko được các thầy thụ đạo mà cậy có chút giọng thấy thiên hạ ăn khoai cũng vác mai đi đào còn nghiệp gấp mấy lần)
Người thì bỏ vợ , bỏ con, cờ bạc, rồi nghèo khó,con cái không ra sao thậm chí có rất nhiều người con cái còn đoản mệnh, bản thân họ ngay tại lúc trẻ vẫn đang hành nghề cũng đầy các vấn đề chứ chưa nói đến cuối đời cô độc tan nát.
Các cụ đã nói cái gì dễ kiém thì càng khó giữ…. tiền dễ kiếm thì dễ tiêu hoang , mà tiền có mùi hương thì càng kiếm nhiều mà không có đạo và giữ đạo càng nhiều nghiệp .
Nghiệp cho mình đã đành lại nghiệp cho vợ cho con cho cháu cho dòng họ và gia đình.
Tình trạng loạn hiện nay đừng đổ cho đồng tất cả vì cung văn cũng có lỗi hãy tự vấn lại mình, thầy văn cũng phải tu, mà tu là sửa hãy tự sửa lại mình sao ko thẹn với tổ tiên với tiền nhân hàng trăm hàng ngàn năm đi trước, để lại pháp cho văn
Nguồn chia sẻ: Facebook Thầy Trần: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02emg3v3CZzdaND4FN825Xv9y2xiUfro5PGm4uzFb5tdJyvggaBA1brzBP5A5oFdQ5l&id=100011796827318