Ai đã từng đi xe đạp kiểu này. Xe đạp ơi, xe đạp ơi
Xe đạp phổ biến ở Việt Nam bắt đầu từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã biến hóa linh hoạt xe đạp thành những chiếc xe thồ chuyên dụng.
Xe đạp thồ có bàn đạp được tháo rời, ghi đông bên trái thường được nối với một thanh tre dài khoảng 15-25 cm để lái khi dắt, yên xe được tháo và thay bởi một cọc để cầm giữ cho xe cân bằng, hai bên xe được móc hai chiếc sạp để đặt đồ đạc. Nhờ những chiếc xe đạp cải tiến thành xe thồ chuyên trở lương thực nhu yếu phẩm đã hỗ trợ đắc lực cho toàn quân ta đánh đuổi thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thời kỳ bao cấp, 10 năm đầu thời kỳ Đổi mới, từ thành phố đến nông thôn, từ trong Nam đến ngoài Bắc, miền Trung, phương tiện đi lại chủ yếu của cán bộ, nhân dân là xe đạp. Các thành phố lớn, kinh tế phát triển hơn số lượng xe đạp nhiều hơn. Xe đạp là một trong số tài sản lớn nhất trong mỗi gia đình. Chiếc xe đạp là tài sản mơ ước của nhiều gia đình, xe đạp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, có biển số khung, được mỗi gia đình nâng niu.
Xe đạp lúc đó khá đa dạng, có rất nhiều loại xe đạp, phổ biến nhất là xe đạp Thống Nhất do nước ta sản xuất, bên cạnh đó còn có nhiều loại khác như xe đạp xe đạp Peugeot do Pháp sản xuất, xe Phượng hoàng của Trung Quốc, xe của Nga, của Đức, của Tiệp xuất sang ta, do cán bộ, học sinh của ta đi công tác, học tập ở nước bạn mang về.
Phần lớn cán bộ, công nhân viên đi làm bằng xe đạp. Cán bộ, công nhân viên được mua xe đạp với giá phân phối là một niềm vui lớn, bởi giá mua rẻ hơn rất nhiều so với giá ở thị trường. Hình ảnh những người phụ nữ đạp xe khoác trên mình chiếc áo dài duyên dáng là cả một hình ảnh thân thuộc với nhiều người
Xe đạp thời xưa phổ biến là xe đạp Thống Nhất được thiết kế vô cùng đơn giản, khung xe thường có một màu, chất liệu sắt dễ hoen rỉ, thiết kế ít mang tính thẩm mỹ.
Không chỉ là phương tiện đi lại, xe đạp còn như chiếc xe tải con hai bánh. Xe đạp thời xưa được dùng để chở người, chở đồ đạc, chở hàng hóa đi buôn bán. Tập đi xe đạp là ký ức tuổi thơ khó quên của nhiều người. Những đứa trẻ nhỏ thó, chân còn ngắn nên không ngồi hẳn lên yên được mà cứ nhấp nhổm theo những vòng quay của bánh xe. Thậm chí, các em còn phải vẹo hẳn lưng sang một bên để đạp xe nhưng vẫn hăng say tập.
Dịch vụ sửa chữa xe đạp phát triển; bơm, vá, cân vành,… là những việc nhiều người biết làm. Xe đạp những kỷ niệm gợi nhắc về một thời gian khổ vẫn còn đọng lại trong ký ức nhiều thế hệ người Việt Nam.